TT - 07/12/2010 - Nhờ thông tin rất cụ thể của một người bạn làm báo ở Paris mà tôi biết có phiên đấu giá bức tranh Chiều tà (Decline du jour) của vua Hàm Nghi vào ngày 24-11-2010 tại khách sạn Drouot.
Buổi đấu giá ngày 24-11.
Drouot có giao dịch với 67 tổ chức và 72 chuyên gia thẩm định.
Hằng năm có 800.000 hiện vật
(chủ yếu liên quan đến nghệ thuật sáng tạo) đã được bán - Ảnh: Thế Thanh
Từ 11g-13g, ban tổ chức mở cửa cho khách vào xem các tác phẩm sẽ được chào bán hôm nay. Tôi đến bàn ban tổ chức với tất cả sự rụt rè của người lần đầu lai vãng đến địa điểm đấu giá chuyên nghiệp và danh tiếng nhất của Paris.
Một trong số năm, sáu người đang bận bịu sắp xếp tranh, tượng trong căn phòng trưng bày đã niềm nở tiếp tôi và bà chị họ cùng đi. Họ hỏi cặn kẽ và lịch thiệp rằng chúng tôi định xem hay định mua. Nếu mua thì mua cái gì trong số các hiện vật trưng bày ở đây.
Sau khi hỏi rõ các thông tin về địa chỉ lưu trú, số tài khoản và số tiền mà chúng tôi có khả năng mua, nhân viên của văn phòng Millon & Associes bảo chúng tôi đăng ký tên để họ giữ chỗ ngồi, bởi vì lát nữa đây khi mở cửa chắc chắn sẽ có rất đông người phải đứng do không đủ chỗ và không đăng ký trước.
Họ cũng thông báo kỹ rằng khi bắt đầu phiên đấu giá, cùng lúc với việc rao giá, đấu giá tại căn phòng này sẽ có hệ thống tham gia đấu giá qua điện thoại do bộ phận nhân viên của Millon & Associes phụ trách, ngồi ngay sau bàn chủ tọa.
Thẩm quyền của người mua qua điện thoại không thua gì người mua tại phòng đấu giá và dĩ nhiên người mua qua điện thoại cũng phải thực hiện các thủ tục theo quy định (họ tên, địa chỉ, số tài khoản được kiểm tra hợp lệ...).
Người tham gia đấu giá tại chỗ hoặc qua điện thoại đều được ban tổ chức thông báo trước rằng họ sẽ phải trả thêm 26% của giá trị hiện vật họ mua (là khoản hoa hồng cho văn phòng đấu giá, thuế...) và nếu đấu giá thắng thì người mua phải thực hiện việc thanh toán ngay theo quy định.
Cũng qua hỏi thăm ban tổ chức, tôi được biết khi có ai đó muốn bán một hiện vật, văn phòng Millon & Associes đã tiến hành thẩm định kỹ lưỡng giá trị nhiều mặt của hiện vật thông qua hệ thống các chuyên gia bậc thầy về tranh, tượng, cổ vật bằng sành sứ, đồng sắt hay bằng vải. Ðể từ kết quả thẩm định khoa học ấy mà biết có thể định giá hiện vật sao cho đúng với giá trị của nó.
Khi có kết quả thẩm định và xác định chính xác số lượng hiện vật có thể đem ra đấu giá, văn phòng Millon & Associes sẽ định giá khởi điểm, in sách ảnh giới thiệu hiện vật, thông báo rộng rãi địa điểm thời gian trưng bày và đấu giá cho công chúng quan tâm biết và tham gia.
Hầu như không có trường hợp nào rao bán mà không có người mua và đặc biệt là không có trường hợp mua rồi mà không trả tiền!
Ðúng 14g, người chủ tọa bắt đầu rao giá của hiện vật đầu tiên trong số 228 hiện vật nghệ thuật được chào bán hôm nay. Bức Chiều tà có số thứ tự 41 trong sách giới thiệu (khổ 22cm x 33cm, in màu trên giấy láng rất đẹp, phát trước cho khách từ một tuần trước đó). Số thứ tự ấy cũng là số thứ tự để rao bán tại phòng đấu giá.
Có những bức tranh giá khởi điểm là 35.000 euro và giá chốt là 59.000 euro. Có bức tranh giá khởi điểm là 500 euro và giá chốt chỉ là 600 euro. Bức Chiều tà của vua Hàm Nghi được giới thiệu: "khổ 35cm x 46cm, tác giả sinh ở Huế năm 1870, lên ngôi vua năm 13 tuổi, sau cuộc chính biến vào ngày 5-7- 1885 bị Pháp đưa đi lưu đày trong cùng năm ở Algeri, mất năm 1943. Có chữ ký Tử Xuân (là nghệ danh của vua Hàm Nghi) ở góc trái của bức tranh".
Chủ tọa rao giá khởi điểm của bức tranh là 1.000 euro. Có người trả 1.500. Người kế tiếp trả 2.000. Rồi 2.100 euro. 2.500 euro. Cứ thế giá trả cao dần lên. Có ai đó ở đầu dây điện thoại bên kia phòng đấu giá (không biết là người Việt hay người Pháp) trả lên tới 8.000 euro.
Tại phòng, chị Tố Nga đẩy lên mức 8.600 euro. Rồi cũng là người ở đầu dây điện thoại gọi tới phòng đấu giá kia đặt mức 8.800 euro. Và đó cũng là giá chốt. Mấy người bạn VN đến hỏi ban tổ chức tên của người đã mua được bức tranh.
Về nguyên tắc tất nhiên họ không trả lời. Tuy nhiên họ cho biết người mua đã thỏa thuận ngay thời gian thanh toán tiền cho văn phòng Millon & Associes.
Tuy không mua được bức tranh quý về giá trị lịch sử, nhưng tôi cũng đã hài lòng với niềm tin rằng bức tranh của vua Hàm Nghi chắc đã được một ai đấy vì lòng quan tâm đến lịch sử VN mà mua và rồi lâu hay mau người ấy cũng sẽ tìm cách đưa được bức tranh về với xứ sở VN.
Còn một điều nữa làm tôi hài lòng, đó là qua việc tham dự phiên đấu giá ở Paris, tôi đã được tận mắt chứng kiến việc mua bán các hiện vật và đưa vào đấu giá là một công việc chuyên nghiệp và nghiêm túc đến thế nào.
Vì nó chuyên nghiệp và nghiêm túc như vậy nên mỗi phiên đấu giá ở Drouot - Paris, người ta náo nức đi xem, đi mua, như ngày hội của những người có niềm say mê đối với những gì hiện thân cho quá khứ đáng trân trọng.
Nhà báo Nguyễn Thế Thanh bên bức Chiều tà của vua Hàm Nghi - Ảnh: nhân vật cung cấp
"Tôi có gần hai giờ để xem các bức tranh sẽ được rao bán hôm nay, đặc biệt là bức Chiều tà của vua Hàm Nghi là bức tranh mà chúng tôi (và chắc chắn là nhiều người VN khác) mong muốn mua được.
Bức Chiều tà có kích thước, bố cục và màu sắc khiêm nhường so với các tác phẩm khác trong phòng đấu giá. Nhưng không hiểu sao khi đứng gần bức tranh này lòng tôi bỗng dậy lên niềm rung cảm. Rõ ràng là do có sự liên cảm của một người đời sau với một vị vua của nước mình - một trong các vị vua đau đáu yêu nước và tha hương gần cả cuộc đời.
Trong đám đông người đứng đợi giờ mở cửa, tôi nhận thấy có khá nhiều người VN. Chuyện trò mới biết ai nấy đều muốn được chiêm ngưỡng bức tranh của vua Hàm Nghi - cũng là hiện vật đầu tiên của các ông vua VN bị Pháp lưu đày xa xứ từ trước những năm 1900 được đưa ra bán đấu giá tại Pháp.
Một vài người trong số đó dự định tham gia đấu giá với hi vọng mua được bức tranh có nhiều ý nghĩa lịch sử này."
NGUYỄN THẾ THANH (Theo Tuổi trẻ)
Tác phẩm Chiều tà (Déclin Du Jour) của Vua Hàm Nghi, vẽ năm 1915 tại Algérie, khổ 35 cm x 46 cm.