Tranh sơn dầu của Ưng Mông

Cập nhật: 2020-03-04 08:59:10
Lượt xem: 127

Một họa sĩ vẽ tranh sơn dầu từ thời Pháp thuộc có tên là Ung Mong (chữ ký trên tranh), thế kỷ 19-20, có một số tác phẩm nằm trong bộ sưu tập tư nhân Phillip Ng, Pháp, được bán đấu giá bởi nhà đấu giá tác phẩm nghệ thuật Sotheby's Hongkong năm 2008.

Tác giả Quang Việt trên Tạp chí Mỹ thuật có bài viết nhan đề Bức tranh "Cô gái lái đò" của vua Đồng Khánh.

Dưới đây là nội dung bài viết của tác giả Quang Việt:

Cô lái đò

ƯNG MÔNG (VUA ĐỒNG KHÁNH) - Cô lái đò. Trước 1889. Sơn dầu. 36x50cm. Sưu tập của ông Nguyễn Minh, Hà Nội

Gần đây, nhiều tác phẩm nghệ thuật Việt Nam lưu lạc trên khắp thế giới đã xuất hiện trở lại trước công chúng, thông qua các cuộc đấu giá quốc tế.

Một số bức tranh của Nguyễn Phan Chánh, Lê Phổ, Mai Thứ, Vũ Cao Đàm, Lê Văn Đệ, Lương Xuân Nhị... - thực sự đã làm cho chúng ta sửng sốt, không chỉ vì những giá trị nghệ thuật đặc biệt cao, mà còn vì những khoản tiền lớn mà người ta đã phải bỏ ra để sở hữu được chúng.

Không chỉ có vậy. Thông qua các cuộc bán đấu giá, chúng ta còn có may mắn phát hiện thêm nhiều điều bất ngờ về nghệ thuật Việt Nam. Tại Paris, ngày 24 tháng 11 năm 2010, một bức tranh nhan đề “Déclin du jour” (Xế chiều) của vua Hàm Nghi, đã được tìm thấy và được đem bán đấu giá, với số tiền thu được là 8.800 euros. Đến nay, số tranh của vua Hàm Nghi để lại thống kê được khoảng 100 bức.

Qua một cuộc bán đấu giá khác của Sotheby's, một bức tranh vẽ “Đại nội Huế” cũng đã được bán. Đây có thể là dịp may đầu tiên để phát hiện thêm một họa sĩ Việt Nam sống ở thời kỳ cận đại: vua Đồng Khánh, với bút danh ký trên tác phẩm là “Ưng Mông”.

Vua Đồng Khánh sinh ngày 12 tháng giêng năm Giáp Tý, tức ngày 19 tháng 2 năm 1864; lên ngôi ngày 6 tháng 8 năm Ất Dậu (19 tháng 9 năm 1885), ở ngôi được ba năm; băng hà ngày 27 tháng chạp năm Mậu Tý (28 tháng 1 năm 1889), khi mới 24 tuổi.

Như vậy, về mặt niên đại, vua Đồng Khánh đã vẽ tranh cách ngày nay ít nhất 127 năm, trước vua Hàm Nghi. Vua Hàm Nghi chỉ bắt đầu đi vào hội họa sau khi ông từ Alger sang Paris và được xem một cuộc triển lãm hội họa của Gauguin (mà theo một số nguồn tư liệu thì cuộc triển lãm đó đã diễn ra vào năm 1899, tức là đúng mười năm sau khi vua Đồng Khánh mất).

Thêm nữa, nếu vua Hàm Nghi vẽ tranh ở nước ngoài, thì vua Đồng Khánh vẽ tranh hoàn toàn ở trong nước. Đây cũng là điểm khác nhau quan trọng giữa hai ông về mặt nghệ thuật.

Tác giả Quang Việt đang trực tiếp nghiên cứu bức tranh "Cô lái đò" của vua Đồng Khánh,
tại trụ sở Tạp chí Mỹ thuật

Một bằng chứng thứ hai chắc chắn đã có được về hoạt động hội họa của vua Đồng Khánh - chính là một bức tranh hiện nằm trong sưu tập của ông Nguyễn Minh ở Thủ đô Hà Nội. Bức tranh được vẽ bằng sơn dầu trên toan, tình trạng tốt, khổ 36 x 50 cm, có chữ ký “Ung Mong” (chữ quốc ngữ, không dấu) ở phía dưới bên phải, và chữ “sampanière” (tiếng Pháp, có nghĩa là “Cô lái đò”) ở phía dưới bên trái.

Bức tranh này đã được bán ở Paris, tại Nhà đấu giá Drouot Richelieu danh tiếng lâu đời của nước Pháp, mở hồi 13h30 ngày thứ tư 18 tháng 11 năm 2015, mang số 572, cùng phiên bán một số tác phẩm nghệ thuật châu Á khác như các tranh khắc gỗ Nhật Bản của Hokusai, Utamaro, Hiroshige...

Việc tìm hiểu lý do và quá trình lĩnh hội nghệ thuật hội họa của vua Đồng Khánh chắc chắn cần có thêm nhiều thời gian. Nhưng cái nhã thú về “thi họa” của các bậc văn nhân, nhất là của các ông hoàng bà chúa thì không có gì khó hiểu.

Riêng ở bức “Cô lái đò”, vua Đồng Khánh quả tình đã đi vào một đề tài mang tính đặc trưng giai thoại như thường thấy. Bức tranh làm chúng ta liên tưởng tới một số bức họa hiện nay vẫn còn trong các nội thất kiến trúc cung đình Huế.

Tuy nhiên, cách thể hiện ở đây lại tỏ rõ một học vấn và kỹ năng hội họa khá vững vàng của nhà vua, với tư cách của một họa sĩ ít nhiều có chuyên môn, hơn là của một người yêu nghệ thuật vẽ tranh. Phối cảnh đơn giản, mở ra một góc nhìn rộng về phía thượng nguồn sông Hương, trong không khí của một chiều lành lạnh, với hiệu quả “lam-bạc” phớt xanh của mặt nước.

Cô lái đò không phải là một thiếu nữ bình dân, mà có cốt cách của một quý cô. Và đây cũng là một điểm đáng ghi.

Vua Đồng Khánh là người không chống Pháp. Ông được coi là vị vua đầu tiên của triều Nguyễn thừa nhận nền bảo hộ của Pháp, mà theo một số đánh giá nào đó, thì sự kiện này đã góp phần làm “nhỡ” bước đi của lịch sử dân tộc.

Sự phức tạp và mẫn cảm của tinh thần và tâm hồn con người, đặc biệt của một vị vua, trong những điều kiện đầy xáo động của lịch sử như vậy, luôn luôn cần được nhìn ở nhiều góc độ. Hy vọng là từ những dấu vết hội họa đầu tiên này của vua Đồng Khánh để lại, chúng ta sẽ ngày càng tìm thêm được những bằng chứng mới để hiểu thêm về một nhà vua, với tầm vóc thực của một con người.

Quang Việt (Tạp chí Mỹ thuật)

 

m hiểu của Phòng tranh sơn dầu xuất khẩu

Sau khi tìm hiểu, Phòng tranh sơn dầu xuất khẩu nhận thấy trong bài viết tác giả Quang Việt không hề đưa ra lý lẽ chứng minh họa sĩ vẽ bức tranh Cô lái đò có chữ ký Ung Mong là vua Đồng Khánh. Chưa có tài liệu ghi vua Đồng Khánh vẽ tranh và sử dụng bút danh là Ưng Mông cả. Vua Đồng Khánh tên thật là Ưng Kỷ, tên húy là Ưng Thị và Ưng Đường, không có mối liên hệ nào với cái tên Ưng Mông (giả thiết Ung Mong là Ưng Mông). Ngoài ra vua Đồng Khánh chết trẻ khi mới 24 tuổi, khó lòng có thể có đủ thời gian để lĩnh hội và làm chủ kỹ thuật vẽ tranh sơn dầu để có thể vẽ được bức tranh như vậy. Ông mất năm 1889, trước ngày thành lập trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương 36 năm. Có lẽ do phát hiện ra sai sót trong bài viết của tác giả Quang Việt, Tạp chí Mỹ thuật (online) đã gỡ bài này xuống.

Những tác phẩm hội họa khác của họa sĩ Ưng Mông

Tiếp tục tìm hiểu chúng tôi được biết một bộ bốn tác phẩm tranh sơn dầu của họa sĩ Ưng Mông vẽ tại Huế, kích thước 33.5 cm x 48 cm, ký tên Ưng Mông (không dấu), tên tranh ghi bằng tiếng Pháp, đã được đem bán đấu giá tại nhà đấu giá các tác phẩm nghệ thuật Sotheby's chi nhánh Hồng Kông vào ngày 8/4/2008. Sotheby's ghi tranh được thực hiện vào khoảng năm 1920, càng chứng tỏ tác giả không phải vua Đồng Khánh (đã mất năm 1889). Đó là các tác phẩm sau đây:

Cửa Ngọ Môn, Ung Mong

Cửa Ngọ Môn, Đại Nội, Huế, 33.5 x 48 cm, sơn dầu

Cửu Đỉnh, Ung Mong

Cửu đỉnh, Đại Nội, Huế, 33.5 x 48 cm, sơn dầu

Cầu Tràng Tiền

Cầu Trường Tiền, Sông Hương, Huế, 33.5 x 48 cm, sơn dầu

Lăng Cô, Ung Mong

Làng Lăng Cô, Sông Hương, Huế, 33.5 x 48 cm, sơn dầu

Rất khó để tìm thấy các bức tranh phong cảnh vẽ bằng sơn dầu của các họa sĩ Việt Nam khác từng tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đẹp và có kỹ thuật bằng hoặc hơn những tác phẩm này. Bố cục, dựng hình, kỹ thuật sử dụng chất liệu sơn dầu nhuần nhuyễn cho thấy tác giả được tiếp thu kỹ thuật vẽ tranh sơn dầu rất bài bản từ các họa sĩ phương Tây.

Thân phận thực của họa sĩ Ung Mong vẫn còn là một bí ẩn. Nếu Ung Mong quả thực là Ưng Mông thì ông là người thuộc hoàng gia Huế, trong cây phả hệ ông ngang hàng với vua Đồng Khánh, tức Ưng Kỷ. Ông học vẽ sơn dầu ở đâu ? Ai là thầy dạy của ông ? Những tác phẩm trên ông vẽ chính xác là vào năm nào ? Nếu quả thực ông vẽ các bức tranh trên vào khoảng năm 1920 thì ông cũng như họa sĩ Lê Văn Miến đã vẽ tranh sơn dầu trước các họa sĩ đầu tiên tốt nghiệp Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương khá lâu, lịch sử hội họa cận đại Việt Nam cần được cập nhật, bổ sung. Hy vọng sẽ có ngày chúng ta tìm ra bí mật này.

Phòng tranh sơn dầu xuất khẩu

2017

Các bài viết khác