(TT&VH) - 29/11/2010 - LTS: Như TT&VH vài lần đưa tin, tác phẩm Chiều tà của vua Hàm Nghi (1871-1944) đã lên sàn đấu giá chiều ngày 24/11/2010. Với mức khởi điểm từ 800 đến 1.200 euro, một người giấu tên đã mua tác phẩm này qua điện thoại với giá 8.800 euro. Và như thế là Việt Nam đã vuột mất cơ hội ngàn năm có một để được sở hữu bức tranh lịch sử này.
Nhà phê bình Đặng Tiến vì quan tâm đặc biệt đến tác phẩm này nên đã đến tham dự phiên đấu từ đầu đến cuối. TT&VH đã ghi lại những cảm nhận của ông.
1. Phiên đấu diễn ra tại trung tâm đấu giá chính thức của thủ đô Paris, thương xá Drouot. Đây là một cao ốc lớn nhiều tầng, mỗi tầng được phân phối cho hàng chục văn phòng đấu giá; mỗi văn phòng như thế có một sảnh đường hàng trăm mét vuông, kèm với nhà kho; ngoài ra, họ còn có trụ sở riêng ở nơi khác để trưng bày mặt hàng.
Đặng Tiến với tác phẩm Chiều tà tại buổi trưng bày
Ủy viên đấu giá (commissaire priseur) là một nghề đặc biệt được luật pháp quy định, có nhiệm vụ định giá một bất động sản và bán đấu giá công cộng. Văn phòng thực hiện phiên đấu giá tranh của vua Hàm Nghi được đánh giá ở cấp độ thông thường.
Phiên đấu giá hôm đó có khoảng trên 200 người dự, trong đó có trên dưới 20 người Việt vì quan tâm tranh của vua Hàm Nghi mà đến. Chứ nói chung, người Việt ít chú trọng đến đấu giá mỹ thuật, sinh hoạt loại này thường dành cho giới chuyên môn và trưởng giả người Pháp. Một số người buôn bán, sưu tập, hay vì yêu chuộng nghệ thuật cũng thường đến dự đấu giá. Cũng có người đến vì tò mò hay mua vui. Phiên đấu vừa rồi số người dự đông đảo, vượt quy định nên không đủ chỗ ngồi, phải chen lấn để đứng phía sau.
Tranh của vua Hàm Nghi thuộc vào hàng “tác phẩm nhỏ”, người bán ra giá thấp, chỉ khoảng 1.000 euro, nhưng bất ngờ vì nhiều người đòi mua, nên cuộc đấu giá trở thành hào hứng. Giá đấu đã lên đến 8.800 euro, gấp hơn 8 lần, trong khi những tác phẩm khác, phần nhiều dừng lại ở mức người bán ước định, nhiều khi dưới tầm tiên liệu trong vựng tập.
Lúc đầu, giằng co sôi nổi đến 2.000 euro, sau đó lắng dịu, rồi nóng trở lại giữa hai phụ nữ Việt Nam trong phòng, mỗi lần lên 200 euro, cho đến 5.000 euro thì trầm xuống. Sau đó có người trả giá quyết liệt qua điện thoại, chỉ còn một phụ nữ Việt Nam tiếp tục đến 8.600 euro, cho đến lúc bên “điện thoại” lên 8.800 euro thì chấm dứt. Tất cả diễn ra khoảng 10 phút.
Cũng xin nói thêm, ngoài Chiều tà, không còn tác phẩm nào của Việt Nam hoặc sáng tác về chủ đề Việt Nam lên sàn trong phiên này. Vì thực tế cũng cho thấy tranh tượng Việt Nam ít khi xuất hiện trên các cuộc đấu giá tại Paris. Vả lại cũng ít người quan tâm. Có hai tranh trên giấy của họa sĩ gốc Nhật là Foujita, bán 4.200 euro và 9.500 euro. Hai thạch bản của Zao Wou Ki gốc Hoa, bán khoảng 1.000 euro mỗi bức.
2. Điều mà nhiều người quan tâm là người đấu giá qua điện thoại đã trở thành chủ nhân bức tranh của vua Hàm Nghi là ai? “Tôi nghĩ người quan tâm và thiết tha với tranh của vua Hàm Nghi, có lẽ là người Việt Nam. Trong nước hay ngoài nước, tôi không thể đoán. Về giá trị lịch sử và tâm cảm, thì giá 8.800 euro không phải là cao. Mà cơ hội thì ngàn năm một thuở.
Phiên đấu giá
Lẽ ra, vì nhiều lý do, người mua công khai phải là các viện bảo tàng về lịch sử hay mỹ thuật của Việt Nam. Nếu người mua là tư nhân thì hy vọng có ngày họ sẽ tặng lại cho một bảo tàng quốc gia, với điều kiện phải bảo quản trân trọng”, Đặng Tiến nói.
“Thật ra tôi không biết gì nhiều về những tác phẩm khác của vua Hàm Nghi. Tôi chỉ biết ông có triển lãm cá nhân ở Paris năm 1926, nhưng chưa thấy tác phẩm. Riêng về bức Chiều tà, có lời bình luận của nhiều người Việt hôm đó cho rằng nghệ thuật xoàng. Tôi thì đánh giá cao về hai mặt tình cảm và nghệ thuật. Tranh cấu trúc chặt chẽ, màu sắc chọn lọc, kín đáo, trầm buồn, u uẩn. Một thế giới yên tĩnh và gợi cảm. Với tôi là một bức tranh đẹp, nhất là đặt vào thời điểm sáng tác 1915 của một tác giả nghiệp dư, trong một hoàn cảnh tâm lý bức bách, những năm lưu đày tại Alger”, Đặng Tiến nói thêm.
Vua Hàm Nghi đã có cuộc đời phi thường. Lên ngôi từ tuổi 13, trị vì được vài năm thì bỏ ngôi đi kháng chiến rồi bị lưu đày. Hoàn toàn bị thực dân cô lập với đất nước, nên ông học vẽ, học nặn tượng. Nghệ thuật tạo hình đã là một thoát ly, trở thành cứu rỗi tích cực. Tác phẩm của ông là một chứng từ quý hiếm về mặt tinh thần và nhân đạo. Huống hồ còn là tranh đẹp.
Phiên đấu giá đã đưa ra 228 tác phẩm, gồm cả tranh và tượng. Giá cao nhất thuộc về tranh của Albert Marquet, sơn dầu, vẽ 1905 (32x40 cm), đạt 251.000 euro, nhưng vẫn thấp hơn mức ước lượng. Riêng bức Chiều tà (Déclin du jour, 35x46cm, sơn dầu, 1915, mã số 41) của vua Hàm Nghi, nếu tính tổng cả giá đấu và lệ phí trung gian thì gấp hơn 10 lần giá ước lượng (giá bán 8.800 euro, cộng thêm 26% lệ phí trung gian thành khoảng 11.088 euro, tương đương 14.780 USD).
Văn Bảy
Nhà Việt Nam học Nikulin từng nhận định: “Số phận đã đưa đẩy ông trở thành người sáng lập nền hội họa hiện đại Việt Nam. Vua Hàm Nghi có vị trí vinh dự trong lịch sử dân tộc, không chỉ vì cuộc đấu tranh cho tự do, chống lại chủ nghĩa thực dân, mà còn vì nền hội họa của Việt Nam. Không đâu ở châu Á, châu Phi và Nam Mỹ, một cựu hoàng lại có được vai trò tương tự như vậy trong lịch sử, văn hóa của dân tộc mình”.